Monday, May 31, 2010

Những Ngày Cuối Đời Của Đại Tướng Cao Văn Viên - Giao Chỉ – San Jose

Những Ngày Cuối Đời Của Đại Tướng Cao Văn Viên

Vinh Phạm K19

                              



(Tháng 10-2003) Mùa Ðông năm nay, niên trưởng Cao Văn Viên sẽ trải qua những ngày băng giá khó khăn. Năm nay 82 tuổi, ông mới bị té ngã. Tưởng đã quỵ luôn, nhưng một lần nữa y khoa Hoa Kỳ đã đỡ vị Tổng Tham Mưu Trưởng  cuối cùng của QLVNCH đứng lên để tập cho ông đi lại từng bước ngắn.

Chắc chắn là các bác sĩ và chuyên viên Mỹ đều không biết vị cao niên Á Châu này là người đã từng làm chức vụ gì ở Việt Nam. Bởi vì hàng ngày cũng không có nhiều người đến thăm ông. Sau trận té gẫy xương chậu, chân ông đã sưng thật to, nhưng mãi cả mấy tuần lễ sau ông mới có cơ hội chiếu điện và chữa trị chính thức. Trước đó ông tự xoa lấy bằng dầu nóng và mùi Nhị Thiên Ðường thơm ngát cả căn phòng tại khu chung cư cao niên lầu hai của quận Fairfax miền Virginia. Ông đang cố gắng đứng lên tập đi trở lại trong một chương trình hồi phục để tránh phải ngồi xe lăn là điều mà tuổi già rất quản ngại. 





30 năm trong quân ngũ, ông Cao Văn Viên chỉ sống với cấp trên và cấp dưới. Riêng cá nhân ông, gần như không có nhiều bằng hữu tương giao để chén tạc, chén thù. Gần 30 năm sống cuộc đời di tản, vị Ðại Tướng đứng đầu Bộ Tổng Tham Mưu, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bây giờ cũng vẫn tiếp tục độc hành. Ông luôn luôn cố tránh liên hệ vào các tranh chấp chính trị ngay từ lúc còn trong quân đội cũng như trong hoàn cảnh di dân tỵ nạn hiện nay. 



Từ khi người vợ quán xuyến của ông qua đời, rồi đến người con trai duy nhất của ông cũng vắn số, ông Cao văn Viên đã trải qua những mùa đông cô độc ở Nữu Ước, hoàn toàn xa cách mọi người. Ông đi chợ nấu ăn lấy, đóng vai ông già Á Châu vô danh giữa chốn đô thị phồn hoa đông đảo nhất thế giới. Những năm gần đây ông dọn về ở luôn trong một căn hộ của khu chung cư ở miền Ðông Hoa Kỳ, bên cạnh Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn. Nơi đây đa số là người già Ðại Hàn. Ông tiếp tục đi chợ và nấu ăn lấy. Cô con gái lớn trưởng thành của ông đã tốt nghiệp luật, đi dạy học, lập gia đình và làm việc ở nơi xa.

Ðời sống đã không cho phép cha con được gần nhau và vị tướng già cũng đã quen sống như thế. Bây giờ thực ra ông cũng không có nhiều nhu cầu. Người già ở Hoa Kỳ lợi tức thấp hoặc không có lợi tức được lãnh bao nhiêu thì niên trưởng Viên của tôi cũng lãnh được bằng đó. Số tiền này đã dành trả hết cho gian phòng ông đang cư ngụ. Trung tá Tâm là một sĩ quan hiếm hoi trong số các thân hữu quân ngũ còn lại quanh ông. Vâng, chính cái anh Tâm đó đang tìm cách xin cho niên trưởng của anh vào một Nursing Home có người săn sóc ngày đêm. Ðó là nhu cầu thực tế và là một ước mơ nhỏ bé của một con người đã một thời mang hình ảnh lớn lao của quân đội chúng ta. 



Vào đầu thập niên 50, gặp nhau tại tiểu khu Hưng Yên, bên bờ sông Hồng Hà có 3 sĩ quan Việt Nam còn trẻ. Trung úy Nguyễn Văn Thiệu, quê Phan Rang miền Trung, lém lỉnh tinh ranh. Ðại úy Trần Thiện Khiêm quê miền Nam, ít nói, thâm trầm. Trung úy Cao Văn Viên, quê miền Bắc, cao lớn, trắng trẻo và đẹp trai nhất. Nếu coi đây là nhóm bạn đầu đời quân ngũ thì quả thực họ đã từng là chiến hữu. Và Trung úy Cao văn Viên lại là niên trưởng. 

Ông Viên tuy người Bắc nhưng thực ra vì cha mẹ làm ăn bên Lào nên ông ra đời tại Vạn Tượng và Thủ Ðô Vientian là dấu ấn của thân phụ đặt tên cho con trai. Vào thời còn trẻ trung, các sĩ quan quốc gia bắt đầu trưởng thành trong vòng tay của quân đội Liên Hiệp Pháp. Các ông quan một, quan hai còn đeo trên vai những gạch kim tuyến vàng chóe với tương lai mở rộng một đời binh nghiệp. Nhưng không ai có thể nghĩ rằng Trung úy Thiệu sẽ trở thành Tổng Thống. Ðại úy Khiêm trở thành Thủ Tướng và Trung úy Viên trở thành Ðại Tướng, Tổng Tham Mưu Trưởng. Ðó là chuyện sau này.



Ðịnh mệnh quả nhiên đã có những ước hẹn với lịch sử. Cả ba người chiến binh Bắc Trung Nam, cùng thăng trầm với chiến tranh, với đất nước để cùng thăng tiến. Họ làm việc với nhau, họ chia nhau những chức vụ tối cao của quân đội và chính quyền. Cùng yểm trợ nhau, nhưng đồng thời cũng rất xa cách dù ở bên trong hay bên ngoài công vụ. Họ không còn ngồi với nhau những giây phút tửu hậu trà dư. Ông Viên đã nói rằng mối liên hệ của ông với Tổng Thống Thiệu hoàn toàn là công vụ. Các niên trưởng của tôi khi nói chuyện đều thưa gửi với nhau bằng chức vụ. Thưa Tổng Thống, Thủ Tướng, Ðại Tướng vân vân. Khách sáo vô cùng. Cái thời “toa moa” ngày xưa ở Secteur Hưng Yên bây giờ đã xa lắm rồi, chẳng ai còn nhớ nữa.

Với sĩ quan Cao Văn Viên, từ cấp Úy lên cấp Tá, ông luôn luôn là người cần mẫn và hòa nhã. Bước ngoặt của đời ông là cánh chim bằng nhảy dù trên ngực áo. Khi ông còn là Trung Tá tại Tham Mưu Biệt Bộ lúc đó ông Nguyễn Chánh Thi đang coi Liên đoàn Nhảy dù. Cả hai cùng là bạn cũ. Thi rủ Viên học nhảy dù để gột rửa bớt cái vẻ sĩ quan văn phòng. Nhảy thì nhảy. Trung tá Viên lấy bằng Dù và tiếp tục ngồi bên Tham Mưu Biệt Bộ thời kỳ ông Diệm còn đang tại chức. Ðảo chính xẩy ra, Ðại tá Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Dù chạy qua Cam Bốt. Tổng thống Diệm vừa thoát nạn, ngó tới ngó lui thấy ông sĩ quan thân cận gần gũi có bằng cấp nhẩy dù bèn đưa qua nắm liên đoàn Mũ Ðỏ.

Từ đó ông Cao Văn Viên bắt đầu làm tư lệnh và cuộc đời đi vào khúc quanh mới. Nhảy dù vốn là đơn vị ưu tú của quân đội, nhưng mũ đỏ đang bị thất sủng vì cú đảo chánh hụt. Giai đoạn này là lúc thử thách của cả vị tư lệnh lẫn các tiểu đoàn nhảy dù. Hai bên thăm dò lẫn nhau. Ông Viên trở thành một vị Ðại Tá tư lệnh hăng hái xông xáo từ kỹ thuật nhảy dù đến các chiến trường trên khắp bốn quân khu. Ông lấy bằng huấn luyện viên Dù và nhảy biểu diễn tự điều khiển cùng với các cố vấn Hoa Kỳ. Cuộc đảo chánh ông Diệm lần thứ hai mới là giai đoạn đặc biệt của Ðại tá Cao Văn Viên. Trong khi hầu hết các tư lệnh quân đội đều ngả theo cách mạng thì riêng mình ông từ chối. 

Ðó là hành động mà sau này ông cũng không chắc là một thái độ khôn ngoan. Ông Viên thực sự cũng không muốn đóng vai anh hùng, nhưng chỉ muốn giữ tấm lòng chung thủy. Ðã có những người chống đảo chánh bị giết chết như vị Tư lệnh Hải quân, Tiểu đoàn trưởng Nhảy dù và sau này chính anh em Tổng thống Diệm cũng bị giết chết. Nếu viên Tư lệnh Nhảy dù không chịu theo cách mạng mà bị thanh toán thì cũng là chuyện có thể xảy ra. Nhưng chính bà vợ quán xuyến và can đảm đã lên tiếng khi ông chồng bị giam riêng một chỗ. Bà Viên đã quyết liệt can thiệp trực tiếp với tất cả các tướng lãnh đảo chánh mà ngày hôm trước vẫn còn là anh em thân hữu với gia đình ông. Cho đến sau này ông Viên vẫn còn ghi nhớ thái độ mạnh mẽ của người vợ đã cứu sống ông trong năm đảo chánh. Ông cũng không ngần ngại mà nói thẳng ra như thế. 

Sau khi cách mạng thành công, ngôi sao bản mệnh của ông lại trở nên rực rỡ. Phe thân hữu của Ðệ Nhất Cộng Hòa tuy đang bị thất thế nhưng vẫn kín đáo ca ngợi thái độ của vị Tư lệnh Nhảy dù. Ngay cả các tướng lãnh và sĩ quan phe cách mạng cũng đều vì nể thái độ của ông. Ông Cao Văn Viên gần như là người duy nhất không theo cách mạng nhưng vẫn được tiếp tục về chỉ huy nhảy dù.

Ðịnh mệnh vẫn tiếp tục chiều đãi. Ông tham dự hành quân Cao Lãnh miền Tây đạt chiến thắng và bị thương. Thêm vào chiến thương bội tinh với ngôi sao đỏ, ông lên Thiếu Tướng với hai sao lấp lánh trên cổ áo và nón đỏ vẫn đội trên đầu.Trong thời gian đảo chánh ông Diệm xảy ra, ông Cao Văn Viên đã không có những kỷ niệm tốt đẹp với tướng Dương Văn Minh. Mấy năm sau, vào giai đoạn chỉnh lý bắt các tướng cách mạng giam lỏng trên Ðà Lạt và cô lập Big Minh thì cũng toàn là lính Nhảy dù của ông Cao Văn Viên. Vì vậy lại thêm một kỷ niệm không đẹp giữa hai người. 

Ðó cũng là lý do mà sau này ông nghĩ rằng không thể ngồi lại trong chính phủ Dương Văn Minh. Phải chăng đây cũng là một cái cớ chính thức để có thể ra đi vào đúng thời điểm cần thiết. Tuy nhiên, đó là câu chuyện 75. 


Trở lại với giai đoạn giữa thập niên 60, từ giã nhảy dù, tướng Viên về làm Tư lệnh Quân đoàn III và sau cùng lên chức Tổng Tham Mưu Trưởng. Với chức vụ quan trọng nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tướng Viên là người có vóc dáng đường bệ nên trong các cuộc thăm viếng đơn vị, hình ảnh của ông cạnh các tướng lãnh Hoa Kỳ đem lại niềm hãnh diện cho các binh đoàn. Lớn tuổi hơn các tướng lãnh cùng thời, nhưng ông có khuôn mặt trẻ trung và giữ được thân thể gọn gàng của một cựu huấn luyện viên thể dục lúc còn niên thiếu.

Và mặc dù có dư luận chê trách, nhưng tướng Viên vẫn thực sự là người hiếu học ngay từ lúc còn làm Tư lệnh Quân đoàn III. Ông rất chịu những bài giảng về triết học bay bướm của thầy Trần Bích Lan tức nhà thơ Nguyên Sa đã một thời là Trung úy Quân nhu. Phần lớn các tư lệnh quân chủng và các quân đoàn đều kính nể vị Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng vốn từ bên Nhảy Dù đi lên. Ngay cả sau này khi các Tư lệnh Quân đoàn liên lạc thẳng với Tổng thống Thiệu những vẫn giữ lễ độ lịch sự với Bộ Tổng Tham Mưu. Tướng Viên có biệt nhãn với ngành Tiếp Vận vì ngày xưa ông đã từng là trưởng phòng 4 đầu tiên dưới thời quân đội quốc gia phôi thai năm 1954. 

Mặt khác, ông cũng giữ mối thiện cảm và theo dõi các hoạt động của binh chủng mũ đỏ mà ông luôn luôn hãnh diện đã góp phần trong binh nghiệp. Tướng Viên cũng được sự tin cậy và vị nể của các giới chức Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính ông cũng tự nhận thấy chưa bao giờ nghĩ đến ngày có thể lên đến chức tước lớn lao như vậy. Ông luôn luôn mong được làm tròn nhiệm vụ, nhưng ông không phải là hàng tướng lãnh nóng nẩy ồn ào, lấy gậy chỉ huy đập vào đầu sĩ quan, hay la hét thuộc cấp tối ngày. Tướng Viên cảm nhận vai trò phối hợp của một vị Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân như bên Ngũ Giác Ðài Hoa Kỳ chứ không phải là Tổng Tư Lệnh ban hành các lệnh trực tiếp. Như ông đã giãi bày trong tác phẩm mới xuất bản, khi nhận thấy bị Tổng thống Thiệu qua mặt dành trực tiếp quyền điều hành bộ máy chiến tranh thì ông lặng lẽ lui vào vai trò tư vấn cho đến khi xin từ nhiệm.



Tháng 10-2003 khi dịch giả Nguyễn kỳ Phong cho phát hành bản Việt ngữ tác phẩm của Ðại tướng Cao Văn Viên, phóng viên BBC Luân Ðôn có hỏi đi hỏi lại Kỳ Phong nhiều lần một câu hỏi. Ðó cũng là thắc mắc của rất nhiều thính giả và độc giả. Tại sao Ðại Tướng bị thất sủng, xin từ nhiệm lại không được chấp thuận. Dịch giả Kỳ Phong không thể thay mặt tác giả mà trả lời cho xuôi câu hỏi phức tạp này. Quả thực đã có lúc ông Thiệu muốn tìm người thay ông Viên nhưng không phải là dễ dàng. Chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng phải lựa chọn trong các Tư lệnh Quân đoàn xuất sắc.

Tướng Ngô Quang Trưởng với sự yểm trợ của phía Hoa Kỳ cũng không phải là người làm ông Thiệu an tâm. Tướng Ðỗ Cao Trí cũng đã được phía Hoa kỳ tiến cử trong danh sách nhưng ông Trí vừa nghe tin đã tuyên bố lăng nhăng nên đã làm ông Thiệu quản ngại và gạch tên ngay cả trước khi trực thăng của ông Trí lâm nạn.

Ðối với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, việc thay thế tướng Cao Văn Viên chưa phải là nhu cầu cấp thiết. Ông Thiệu hoàn toàn yên tâm với một vị Tổng Tham Mưu Trưởng dứt khoát không chịu tham dự vào các cuộc đảo chánh chính trị. Ông không sợ ông Viên làm phản. Trước sau như một, tướng Viên đã kiên định như thế. 


Thông thường ông Viên thân với tướng Kỳ hơn là gần gũi ông Thiệu. Nhưng không bao giờ ông Kỳ rủ được ông Viên tham gia đảo chánh ông Thiệu, ngay như vào giờ thứ 25 của thời điểm năm 75. Ông Thiệu và ông Viên, như trên đã viết ra, các niên trưởng của tôi sinh hoạt xa cách và khách sáo. Không có cái kiểu như thời kỳ còn ở Hưng Yên: “Này, Moi làm ở État Major lâu quá, thôi Toi kiếm thằng khác để Moi nghỉ một thời gian. Việc gì Toi cũng chơi thẳng với các Quân đoàn như thế thì còn cần Moi ở đây làm gì?” Không, các Xếp của tôi không ăn nói lăng nhăng như vậy. Ðại Tướng thưa rằng xin Tổng Thống cho tôi tạm nghỉ vì sức khỏe. Tổng Thống nói là xin Ðại Tướng vui lòng tiếp tục ở lại một thời gian. Bây giờ là lúc khó khăn, quân đội cần ổn định v.v… Và Ðại tướng Viên có lúc đã nhờ quân nhu tìm cho một số dụng cụ làm vườn để thực sự chuẩn bị vui thú điền viên, nhưng khi ông Thiệu nói như vậy đành chần chờ ở lại Bộ Tổng Tham Mưu cho qua ngày. 



Cũng phải ghi lại là trong chức vụ cao cấp nhất của quân đội, tướng Viên đã có lần phác thảo kế hoạch tấn công ra Bắc và đó là một trong các phương cách tự vệ mãnh liệt nhất. Tuy nhiên chắc chắn rằng phía Hoa Kỳ hoàn toàn không yểm trợ và ông Thiệu không thể nào đơn phương quyết định được. Thêm vào đó, một trong các quyết định quan trọng nhất của tướng Cao Văn Viên là xử dụng tướng Ðồng Văn Khuyên từ Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 3 Tiếp Vận lên Tổng Cục Trưởng, Tổng Cục Tiếp Vận rồi là Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Ông Khuyên đã không phụ lòng tin cậy của tướng Viên trong các chức vụ này và đặc biệt ông cũng được Hoa Kỳ hoàn toàn yểm trợ. Và chính guồng máy Tiếp Vận với viện trợ Mỹ là con bài tẩy của chiến tranh Việt Nam

Trong phần ghi chú của tác giả Cao Văn Viên viết trong tác phẩm Việt ngữ mới phát hành, một đề nghị chiến lược tối mật quan trọng nhất cho chiến tranh Việt Nam là việc bỏ đất, triệt thoái do Tổng Cục Tiếp Vận, Tổng Tham Mưu soạn thảo. Hoàn toàn dựa vào bài toán quân viện, nghiên cứu khả năng thực sự giữ đất, giữ dân, Việt Nam Cộng Hòa muốn tồn tại thì phải thu về các vùng đồng bằng và duyên hải. Kế hoạch phải áp dụng ngay từ sau Hiệp Ðịnh Paris chứ không thể căng mỏng quân lực ra khắp nơi theo kiểu dành dân lấn đất và chôn chân các đơn vị Tổng Trừ Bị tại các tiền đồn.

Ðại tướng Viên đã chỉ thị tướng Ðồng Văn Khuyên lên trình riêng Tổng Thống để rồi không hề nghe được bất cứ một chỉ dấu gì của ông Thiệu cho đến những ngày đau thương 30 tháng 4-1975. 


Ba mươi năm trôi qua như một giấc mộng dài. Tháng tư năm 2005 từ San Jose CA, chúng tôi lên thủ đô tổ chức họp mặt anh em chiến hữu trại Trần Hưng Ðạo. Ðây chính là tổng hành dinh của bộ Tổng tham Mưu ngày xưa. Ba mươi năm hội ngộ, gặp lại lần đầu nhưng ai cũng biết đây là lần cuối. Ðại tướng lấy lý do già yếu nên không đến được. Hội họp xong, tôi nhờ trung tá Tâm đưa đến thăm ông.

Tháng tư là tháng không vui mà cảnh trí nơi ông ở trông thật là buồn. Tâm nói rằng, đại tướng rất đúng hẹn và rất nguyên tắc. Khi chúng tôi bước vào phòng khách của khu cao niên Á châu, “Mon General” đã đứng chờ sẵn, quần áo chỉnh tề. Hình ảnh của vị tướng lãnh cao lớn mang 4 sao, áo hoa dù, mũ đỏ không còn nữa.







Ðại tướng của tôi bây giờ là một cụ già tóc bạc lưng còng, vóc dáng nhỏ bé, chỉ còn lại cặp mắt long lanh, và tiếng nói dịu dàng. Chúng tôi ngồi xuống bên nhau nói chuyện không có chủ đề. Trung tá Tâm ngồi một bên luôn luôn để ý săn sóc cho ông cụ. 

Bao nhiêu câu hỏi cần tìm hiểu vị niên trưởng mà tôi đã chuẩn bị bây giờ buông xuôi hết. Nào là rút quân, nào là tử thủ, từ chuyện ông Thiệu đến chuyện ông Kỳ, chuyện Mỹ, chuyện Tàu. Trong cái buổi chiều buồn và ảm đạm đó, tôi chợt thấy tất cả đều trở nên vô nghĩa. Toàn quân, toàn dân, cấp trên cấp dưới, bây giờ không quá khứ, chẳng vị lai….

Lời người xưa còn vẳng bên tai  : Bại binh chi tướng, bất khả ngôn dũng. Tướng lãnh thua trận, không thể nói mạnh. Bây giờ là tháng tư, 30 năm sau ngồi đây mà đổ tội cho ai. “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”. Mà công thành, có thành công cho cam. Tôi không hỏi và ông cũng chẳng nói. Tôi đưa cả hai tay cho ông nắm thật chặt. Hình như có một lời ca từ 50 năm trước trong bài Tình Lính: Thương nhau, tay nắm lấy bàn tay; Ông nắm thật chặt và Ông bắt đầu giảng cho tôi về Thiền Tông và Phật Pháp. Chẳng có thu thanh, thu hình phỏng vấn gì cả.
Hai mươi năm chinh chiến điêu linh và ba mươi năm lưu lạc tù đầy của cả đạo quân nay bỏ qua một bên để ngồi bàn về đường đi của Phật. Trước khi chia tay, tôi ngỏ lời xin đại tướng một di vật cho viện Bảo tàng. Ông nói: Tôi có còn gì đâu. Bèn hỏi rằng hôm niên trưởng ra đi đem theo cái gì. Ông cho biết có cầm cái cặp. Bên trong có cuốn sách viết về đạo Phật.

Tôi xin ông cuốn sách đó, có bút tự ghi dấu của đại tướng. Quay sang anh Tâm, tôi xin xác nhận, khi nào… Chúng tôi ra xe, ông cụ đứng ngó theo… Giữa những người lính trẻ ngày xưa, cuộc ra đi nào cũng có thể là lần cuối. Bây giờ chúng tôi là những người lính già, chắc chắn phải hẹn nhau gặp lại ở nơi khác. 


Lần cuối. ( Tháng Giêng 2008 )

Giây phút .. khi nào.. đã đến. Ðại tướng Cao văn Viên ra đi ngày 22 tháng 1 năm 2008 tại Fairfax, VA. cũng không xa nơi ông cư ngụ những ngày sau cùng. Gia đình tuy đơn chiếc nhưng chiến hữu rất đông đảo.

Những vị niên trưởng lừng lẫy của tôi, quý vị do thời thế tạo nên. Lúc còn trẻ tôi có thể đã kỳ vọng và trách cứ quý vị rất nhiều, nhưng bây giờ cấp dưới chúng tôi cũng già rồi, tôi đã suy nghĩ khác đi nhiều. Quả thực chúng ta không thay đổi được định mệnh và không vượt qua được thời thế. Tôi cũng đã từng là anh Thiếu Úy trẻ Bắc kỳ của mùa thu 54, bây giờ cũng đã cao niên như mọi người. Tôi bao dung với chính tấm thân già của mình. 

Nhìn cuộc đời nhẹ nhàng hơn và tôi thông cảm với niên trưởng Cao Văn Viên. Tôi vẫn hình dung những buổi chào cờ đầu năm ở Bộ Tổng Tham Mưu. Lá cờ sao của Ðại Tướng Tổng Tư Lệnh bay trên nhà lầu chính. Tướng Cao Văn Viên đội mũ đỏ, áo hoa dù đứng giữa hàng quân để đọc nhật lệnh tại Vũ Ðình Trường Tổng Tham Mưu mênh mông. Hàng chục ông tướng xếp hàng ngang. Trên 50 cấp Ðại Tá xếp hàng dọc. Các sĩ quan, HSQ và binh sĩ của các phòng sở với đủ mọi loại quân phục Liên Quân. Bên trái là đoàn xe với quân cảnh hộ tống thật uy nghi lẫm liệt. Phía xa là trực thăng riêng đậu chờ sẵn. 

Cách đó thật xa hơn nữa về cả không gian lẫn thời gian là hình ảnh Trung úy Cao Văn Viên trẻ trung của Secteur Hưng Yên trên chiến trường Bắc Việt. Rồi đến những ngày qua khi niên trưởng Cao Văn Viên sống một mình từ Nữu Ước đến DC. Ông chậm chạp đi bộ từ chợ về nhà, leo lên lầu hai của căn phòng nhỏ, tự mình chuẩn bị bữa ăn. Sáng nay ông ăn món gì? Bánh mì trứng hay trứng bánh mì? Ông có uống sữa hay không? Ông còn nhớ gì đến chuyện di tản ở miền Bắc 54 

Chuyện di tản ở miền Nam 75. Trung úy Thiệu ngày xưa nay đã đi xa rồi, Ðại úy Khiêm ngày xưa vẫn im lìm như thuở nào. Và Trung úy Viên ngày xưa mãi mãi vẫn cô đơn. Tuổi trẻ và danh vọng rồi cũng qua đi. Ai rồi cũng chỉ còn lại một mình. Khi ra đi lần cuối cũng chỉ có một mình.


Tất cả quý niên trưởng và chúng tôi ai cũng muốn sống lại cái thời đeo lon cấp Úy của tuổi hoa niên. Phải mà được làm lại từ đầu thì chúng ta sẽ làm biết bao nhiêu điều tử tế hơn, đẹp đẽ hơn, cho bản thân, cho chiến hữu và cho đất nước.Tuổi hoa niên cùng mặc áo chinh y. Lòng mở rộng giữa dòng đời ấm áp. Tám mươi năm, kiếp người như gió thoảng. Chiều cô đơn về chậm hồn cao niên.” 

Giao Chỉ – San Jose
Mùa Ðông 2008